Lượt xem: 456

Sóc Trăng phát triển nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu

Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông. Mặc dù có những lợi thế nhất định về điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên vùng ven biển của đồng bằng, nhưng cũng là địa phương điển hình trong khu vực tồn tại nhiều rủi ro, thách thức đan xen từ tác động nhiều mặt của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

 


Bố trí lịch thời vụ giúp trà lúa Đông Xuân vùng thủy lợi khép kín “tránh hạn, né mặn” thành công

 

    Trong bối cảnh đó, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ trên từng lĩnh vực nhằm giúp người dân tỉnh nhà “thích ứng” tốt hơn với những thách thức, rủi ro từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững.

    Với điều kiện địa hình khá thấp so với mực nước biển nên trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng thường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, lốc xoáy diễn ra thường xuyên, triều cường gây ngập úng và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp...

    Là cây trồng chủ lực trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng quá trình sản xuất lúa tại tỉnh thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiệt hại do tác động của xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm, đặc biệt là ở các địa phương thuộc vùng thủy lợi khép kín. Quy hoạch lại thời vụ trồng lúa vì vậy là một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến đầu tiên. Theo đó, đúc rút kinh nghiệm từ sau thiệt hại nặng nề của đợt hạn mặn mùa khô năm 2015 - 2016, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã bố trí lại khung lịch thời vụ gieo sạ lúa ở 2 vụ mùa chính là Đông Xuân và Hè Thu, với thời gian gieo sạ ở mỗi vụ sớm hơn từ 10 đến 15 ngày.

    Nếu như nhiều năm trước, nông dân trồng lúa trong vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt luôn phải thấp thỏm trong nỗi lo thiếu nước vào thời điểm mặn bắt đầu xâm nhập, nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán, thì trong những năm gần đây, nhờ tuân thủ lịch thời vụ theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trà lúa Đông Xuân hằng năm tại các địa phương này luôn đảm bảo an toàn về mặt năng suất và chất lượng. Anh Thạch Huy - nông dân trồng lúa ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề phấn khởi chia sẻ: “Mùa khô mấy năm trước ảnh hưởng nhiều lắm, vì vùng của mình ở gần biển. Mặn xâm nhập rồi là bơm cạn sông luôn cũng không có đủ nước ngọt. Năm nay nguồn nước đầy đủ, nhờ mình thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng là xuống giống sớm để tránh mặn”.

    Đặc biệt, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành, tham mưu Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tổ chức lại sản xuất trên các lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản, khuyến khích người nông dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị canh tác.

    Theo đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã duy trì và khuyến khích nhân rộng nhiều mô hình sinh kế đa dạng, phù hợp với nguồn lực của từng hộ, thay thế cho việc canh tác lúa vào mùa hạn, mặn; khuyến khích người nông dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị canh tác. Chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2020, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là 20.661 ha. Trong đó, bao gồm các mô hình chuyển đổi cây hằng năm như: mô hình trồng màu dưới chân ruộng (2 lúa - 1 màu), mô hình trồng sen lấy gương; các mô hình chuyển đổi trồng cây lâu năm có tiềm năng xuất khẩu và thích nghi tốt với thổ nhưỡng tại địa phương, như: dừa, chuối, vú sữa, sầu riêng, chanh… Hay các mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa  cũng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế tại các vùng trũng thuộc thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Tú. Theo tính toán, các mô hình chuyển đổi này giúp nông dân nâng cao thu nhập từ 2 đến 3 lần so với thế độc canh cây lúa.

    Là một trong những nông dân từng rơi vào cảnh “mất trắng” trong đợt thiệt hại hạn mặn năm 2016, đến năm 2018, anh Thạch Mô Lết ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề đã mạnh dạn chuyển đổi 1,7 ha đất lúa sang trồng giống dừa Mã Lai. Vì là giống cây trồng chịu mặn khá nên có thời điểm, độ mặn tại Trần Đề đo được trong mùa khô từ 4 - 5‰, nhưng vườn dừa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng cho trái không bị ảnh hưởng. Theo anh Mô Lết chia sẻ, dừa trồng khoảng 2,5 năm sẽ bắt đầu cho trái, cách 20 ngày là có thể thu trái với khoảng 700 quầy, mỗi quầy đạt từ 12 trái. Với giá bán mỗi quầy là 50.000 đồng, trung bình mỗi năm vườn dừa mang lại cho gia đình anh lợi nhuận trên 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn 10% so với canh tác lúa 2 vụ như thời gian trước. Anh Mô Lết cho biết: “Đất ở đây là vùng mặn nên canh tác lúa mùa khô là thường hay bị thiệt hại lắm, thành ra mới quyết định chuyển đổi sang trồng dừa, qua nhiều năm trồng thấy hiệu quả kinh tế rất tốt. Ngoài ra do dừa Mã Lai còn có nhiều ưu điểm vượt trội khác về cơm dừa, hàm lượng dầu, độ ngọt nước... nên khả năng tiêu thụ trên thị trường rất ổn định, mình không lo ngại nhiều về đầu ra”.

    Thành công của tỉnh Sóc Trăng trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu còn là kết quả của quá trình lồng ghép, triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, dự án, đề án thiết thực trong từng lĩnh vực như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án phát triển sản xuất cây ăn trái đặc sản, Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản, Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa... hoặc các nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy đến nay, kinh tế nông nghiệp đã và đang khẳng rõ vai trò “trụ đỡ” trong tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh với nhiều kết quả hết sức ấn tượng: sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 92,13% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tôm hằng năm vượt trên 1 tỷ USD, nhiều sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh liên tục “vượt ao làng” để xuất ngoại, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hiện đạt 224 triệu đồng/ha. Lĩnh vực nông nghiệp đã từng bước hình hình các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, hướng đến ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu thị trường; chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

    Để chủ động tầm nhìn dài hạn hơn cho những thách thức có thể xảy ra từ diễn biến khó lường của thời tiết, khí hậu, ngày 14/6/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã phê duyệt Quyết định số 1422/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả là nền tảng quan trọng để tỉnh Sóc Trăng thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam trong đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm bảo vệ khí hậu trái đất theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.


Mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 2 đến 4 lần 

 

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin: “Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã phối hợp cùng các sở, ngành, các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các giải pháp đồng bộ để phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể là nâng cao năng lực phòng, chống, ứng phó thiên tai đến người dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng tổng thể về quy hoạch phòng, chống thiên tai như việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, công tác dự báo, cảnh báo các diễn biến tình hình thời tiết để thông tin đến người dân một cách nhanh nhất để hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại. Tiếp tục cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ, để làm sao thích ứng an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu... Riêng đối với giải pháp công trình, chúng tôi cũng đã tham mưu, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh xây dựng một số công trình, dự án quy mô như: Dự án kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu để phục vụ cho sản xuất, Dự án phát triển hạ tầng thủy lợi ở khu vực vùng trũng, dự án nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông...”.

    Nhờ đúc kết kinh nghiệm sau thiệt hại để tìm ra giải pháp phù hợp hơn, lựa chọn “thích ứng” thay vì “ứng phó” đơn thuần, kết hợp hiệu quả giải pháp công trình và cả phi công trình... nên những rủi ro từ biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn được khống chế tốt với con số thiệt hại giảm dần theo từng năm, năng lực ứng phó  đạt được nhiều bước tiến quan trọng... Kết quả này ghi dấu hành trình dài nỗ lực của chính người nông dân tỉnh nhà trong việc biến “nguy” thành “cơ”, biến “bất lợi” thành “lợi thế”… Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh Sóc Trăng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm và từng nhiệm kỳ, sớm bắt nhịp cùng đà tăng trưởng chung của nhiều tỉnh, thành trong khu vực.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 102
  • Hôm nay: 7867
  • Trong tuần: 78,574
  • Tất cả: 11,801,894